CHÓ BẢO VỆ - TẤN CÔNG
Cách sử dụng vệ khuyển.
a. Vệ khuyển, đúng với nghĩa của danh từ, được sử dụng trước hết về nhiệm vụ nội vệ làm chó canh phòng. Loại chó này được huấn luyện để báo hiệu với chủ nó bằng cách kêu hay sủa, hoặc bằng cách báo động ngầm.
Chó thường quen làm việc có dây dắt. Chủ chó giữ chó bằng dây dắt đi tuần quanh đồn và có thể nhờ chó báo hiệu cho biết có những người lạ ở trong hay tiến gần đến phía khu vực đang được bảo vệ. Khi chó báo động, người chủ chó phải chuẩn bị để đương đầu với tình hình tùy theo trường hợp nghĩa là phải hồ hởi, tìm tòi, ẩn nấp cẩn thận; hay bắt giữ. Chó được giữ bằng dây dắt và sát vào với chủ chó, cũng sẽ giúp được như một yếu tố tâm lý trong những trường hợp như vậy. Chó sẽ tấn công theo lệnh của chủ chó.
b. Có thể dùng vệ khuyển rất có lợi ở những vị trí quan trọng như:
Các khu phân tán máy bay.
Các khu vực đặt súng.
Các kho đạn.
Các kho lương thực.
Các vị trí hỏa tiễn vô tuyến điều khiển.
Các khu vực tuần phòng duyên hải.
Các khu vực chứa mìn.
Các bãi quân xa.
Các nhà máy nước.
Các kho chứa hàng.
c. Ở các khu vực phải canh phòng mà không có xe cộ lưu thông, hoàn toàn quây kín mà không rộng quá, có thể thả một con chó đã được huấn luyện cho nó tự do đi lại. Chỉ có chủ chó mới được phép vào hay đến gần khu vực được canh phòng, và chủ chó phải hướng dẫn bất cứ toán tuần tiễu nào được phái đễn một điểm trong khu vực để chận soát những kẻ đột nhập nghi là hiện có mặt ở nơi đó, để có thể điều khiển chó. Các vệ khuyển được thả lỏng thường dữ tợn và sẽ tấn công những người phạm pháp ngay lập tức.
d. Vệ khuyển là chó của một người. Mỗi con chó chỉ được giao cho một người chủ để săn sóc, huấn luyện và sai bảo.
e. Bất cứ lúc nào có thể thi hành được, các vệ khuyển phải đi tuần xuôi theo gió từ khu vực đang được bảo vệ, để tăng thêm tầm báo động của nó.
f. Không cần rút các toán vệ khuyển ra khỏi đồn canh trong thời tiết mưa. Tuy một trận mưa to có thể làm giảm hiệu lực của chó về tầm báo động, khả năng của nó để khám phá những kẻ quấy rối sẽ vẫn còn hơn hẳn chủ nó. Không có gì khó khăn sẽ gặp phải trong cách sử dụng các vệ khuyển ở nơi khí hậu lạnh khi mà nhiệt độ xuống tới 40độF dưới không độ. Chó sẽ điều hòa nhanh chóng đối với nhiệt độ ghê gớm đó; tuy nhiên, để thâu lượm được kết quả trong lúc khí hậu lạnh như vậy phải thi hành theo những điều đặc biệt dưới đây:
(1) Định nhiệm chó vào nơi phục vụ trong những tháng hè để nó có thể quen thủy thổ dần dần trước khi mùa lạnh tới.
(2) Chuồng chó về mùa lạnh không được sưởi nóng và phải đặt ở ngoài cửa.
(3) Lúc khí hậu thật lạnh, cho chó đi giày để giữu gìn chân chó khỏi bị nước đá làm tê cóng. Giày của chó có thể làm bằng vải bạt hay da hay có thể mua ở những hiệu buôn dân sự.
Tuyển chọn để huấn huấn luyện công tác canh phòng.
Muốn hợp với việc huấn luyện canh phòng, các con chó phải có những đặc tính cần thiết theo các mức độ dưới đây:
Mức tinh khôn : vừa phải đến cao.
Mức phục tùng : vừa phải đến cao.
Nghị lực : vừa phải đến cao.
Mức hiếu chiến : cao.
Giác quan : kém đến vừa phải.
Các điều kiện huấn luyện.
a. Các nhiệm vụ của chó: Ngoài việc dạy chó tuân theo mệnh lệnh của mình, người chủ chó phải gây vào tâm trí chó rằng mọi người, trừ chủ đều là địch của chó cả. Muốn làm thế, người chủ khuyến khích chó báo động lúc có mặt bất cứ người lạ nào và cố gắng tấn công người đó. Điều cần nhất là người chủ chó KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP CHO BẤT CỨ NGƯỜI NÀO ĐẾN VỖ VỀ HAY LÀM QUEN VỚI CHÓ CỦA MÌNH ĐANG DẠY. Chủ chó phải nhớ rằng chỉ có mình là bạn của chó; Chỉ có mình là chủ mà thôi. Cũng vì vậy, chủ chó không bao giờ được vỗ về bất cứ con chó nào trừ con chó của mình.
b. Các nhiệm vụ của người phụ tá: Dùng một người phụ tá để đóng vai trò người quấy rối và làm con mồi. Người quấy rối khiêu khích tính hiếu chiến của chó bằng cách trêu chọc và kích thích nó, và làm cho chó tự tin tưởng bằng cách rút lui ngay khi con chó xông đến tấn công về phía mình. Người phụ tá tiến đến con chó một cách đe dọa, nhưng khi chó khẽ xông đến thì rút lui ngay. Cách tiến lại gần chó có thể thay đổi tùy theo tính khí của con chó. Tuy nhiên, điều cần nhất là trong mọi cuộc đụng độ giữa chó và người quấy rối thì LUÔN LUÔN CHÓ PHẢI LÀ KẺ THẮNG. Trong việc huấn luyện vệ khuyển, người quấy rối cũng quan trọng như chủ chó, và công việc của người ấy phải được huấn luyện viên giám sát cẩn thận. Để có sự thay đổi, nên dùng các người quấy rối khác nhau. Chủ chó này có thể đóng vai người quấy rối cho chủ chó khác.
c. Vị trí: Việc huấn luyện khởi sự ở khu vực huấn luyện thường lệ. Theo đà tiến triển, chó sẽ được di chuyển đến các vị trí khác nhau, đã được lựa chọn cho giống những loại đồn canh khác nhau.
d. Thời gian: Việc huấn luyện sơ khởi được thi hành về ban ngày. Khi mà chó đã báo động được một cách chính xác về sự có mặt của những người lạ vào ban ngày, việc huấn luyện sau chót được thi hành vào ban đêm.
Dụng cụ để huấn luyện canh phòng
Phải cần đến những dụng cụ sau đây:
a. Chủ chó sẽ cần đến một vòng cổ xích sắt, một sợi dây dắt da dài 5 bộ, một sợi dây dắt da dài 25 bộ, một vòng cổ da, một cái cọc, một dây xích sắt cột.
b. Người quấy rối cầm một cái gậy nhỏ mềm, dẻo, bằng bao bố cuộn tròn hay một vũ khí khác vô hại và bộ đồ tấn công có tay áo nối dài.
Huấn luyện căn bản cần thiết.
Các nhu cầu về huấn luyện căn bản cho những vệ khuyển đều giống như các nhu cầu cho những thám khuyển.
Phương thức huấn luyện
a. Huấn luyện vệ khuyển được chia làm ba đợt:
(1) Trắc nghiệm, khiêu khích và điều khiển tính hiếu chiến tự nhiên của chó: có nhiều con chó công kích một cách tự nhiên và không cần trêu chọc nhiều để làm cho nó giận. Để tránh các tai nạn, việc huấn luyện khiêu khích có thể bắt đầu bằng cách cột chó vào một cái cọc bằng dây xích sắt móc vào vòng cổ da to bản. Nên nới lỏng độ một hay hai phân Anh, chỗ đất ở xung quanh cái cọc để cọc sẽ uốn chịu một chút khi chó chồm ra và không siết con chó chặt quá.
(2) Dạy chó khám phá người lạ có mặt hay đến gần: chó phải học cách khám phá sự có mặt của một người ẩn nấp một phần hay hoàn toàn hoặc là ở dưới hay trên mặt đất. Vì lý do này, đợt cuối cùng của huấn luyện canh phòng phải gồm các đợt tuần tiễu ở những khu vực có dấu kỹ các con mồi tại những chỗ như trên cành cây, sau hàng rào hay ở dưới rãnh. Nên dắt chó bằng dây da dài 25 bộ, hoặc bằng dây dắt da ngắn, để chó có thể vào các nhà và chỗ ẩn nấp đáng ngờ khác trước người chủ.
(3) Dạy chó tấn công: Chó được dạy tấn công và ngừng lại theo khẩu lệnh, để tấn công là “Cắn nó” (Get him) và khẩu lệnh để buông ra hay ngừng tấn công là “Ao” (Out). Lúc hô khẩu lệnh “Cắn nó”, chủ chó buông dây dắt ra và chó tấn công. Lúc nghe khẩu lệnh “Ao”, chó chạy về với chủ rồi người chủ ra lệnh “Nằm”, “Yên”, “Coi chừng” (Down, Stay, Watch him).
b. Việc huấn luyện tiến hành như sau:
(1) Khi chó được cột vào cọc để huấn luyện về khiêu khích (tiểu mục a (1) ở trên). Người chủ chó cũng buộc vào cổ chó một vòng xích sắt có dây dắt da dài 25 bộ. Chủ chó cho chó dứng sát chân ở cuối dây dắt, ra lệnh chó nó ngồi và bước ra xa chó và vẫn giữ chặt dây dắt.
(2) Chủ chó đặt chó vào thế báo động bằng khẩu lệnh “Coi chừng” (Watch him) nói với giọng nhỏ nhẹ, gần như thì thầm. Khẩu lệnh “Coi chừng” chỉ được dùng trong việc huấn luyện lần đầu. Đó là dấu hiệu cho chó biết là nó đang thi hành phận sự và phải chuẩn bị để tìm kiếm bất cứ sự đột nhập nào. Khẩu lệnh này sẽ được bỏ ngay khi chó đã hiểu được rằng lúc buộc vòng cổ và dây dắt tức là nó đang làm công tác. Không bao giờ được dùng khẩu lệnh “Coi chừng” lúc làm việc thực sự để báo động chó. Chó báo cho chủ biết có sự nguy hiểm, chứ chủ không phải báo cho chó.
(3) Người quấy rối xuất hiện và được trang bị với một cái gậy nhỏ mềm dẻo hay một thứ vũ khí vô hại nào đó. Và tiến từ một góc độ đến gần con chó, chứ không đến thẳng ngay trước mặt nó. Người này nhìn vào con chó ở ngoài góc mắt chó, chứ không nhìm chòng chọc vào con chó, rồi đánh con chó mà không cần chạm vào nó, và nhảy ra ngoài. Khi người ấy đánh chó người chủ chó khuyến khích chó bằng cách nói “Cắn nó”, “cắn nó” (Get him, get him) với giọng cương quyết.
(4) Chó sẽ đáp ứng lại phương thức này tùy theo tính hiếu chiến tự nhiên của nó. Về điểm này chó có thể được xếp loại một cách thuận tiện như sau và việc huấn luyện chó được tiếp tục cho phù hợp.
(a) Chó hiếu chiến vừa phải: loại chó này dễ huấn luyện nhất về công tác canh phòng. Nó sủa hoặc kêu ngay khi người quấy rối xuất hiện, chồm lên lôi cả xích và cố để tấn công. Người quấy rối chạy ra ngoài khuất mắt nó. Ngay khi chó phản ứng theo cách này, người chủ chó khen ngợi nó một cách nồng nhiệt và nếu chó không bị kích thích quá, bước đến gần và vỗ về nó. Khi mà chủ chó tin tưởng được rằng chó chỉ bị khiêu khích chống lại người quấy rối và nó không có khuynh hướng tấn công một cách mù quáng, chủ chó có thể coi như đã sẳn sàng làm việc không cần cọc. Bài tập cho ngày hôm đó được kết thúc bằng người quấy rối chạy khuất đi và chủ chó khen thưởng chó và cởi xích cho nó.
(b) Chó hiếu chiến quá độ: Loại chó này có khuynh hướng điên cuồng chó cắn tất cả mọi người ở gần và cứ sủa mãi mặc dù sau khi người quấy rối đã đi khỏi. Trong trường hợp này, chủ chó phải la mắng nó, và kêu to “không, không” (no, no) giật dây xích cho đến lúc chó dịu xuống. Chủ chó phải cẩn thận đừng bước gần vào trong tầm, chờ đến lúc chó thôi sủa và kêu đã. Khi thấychắc là chó đã dịu hẳn rồi, chủ chó đến gần nó, nói nhẹ nhàng, khen ngợi và vỗ về nó. Phương thức này được làm lại, chỉ khác là người quấy rối xuất hiện và đi khỏi ngay lập tức. Khi chó tỏ ra chỉ hướng công kích về phía người quấy rối, chủ chó khen ngợi nó và cố gắng chỉ cho nó biết là chỉ có người quấy rối là thù địch của nó mà thôi. Sau hai hay ba lần tập thử, việc huấn luyện ngày hôm đó ngừng lại, ngày hôm sau lại cột chó vào cọc và ôn lại như trước. Chó bị xích vào cọc để tập bài này cho đến khi đã tỏ ra rằng nó không cắn chủ nó dù nó có bị trêu tức tới mức nào đi nữa.
(c) Chó kém hiếu chiến: Loại chó này phản ứng một cách tiêu cực đối với sự hiện diện của người quấy rối. Nó có thể đứng và vẫy đuôi, lăn mình ra đất hay toan chạy xa người quấy rối. Trong trường hợp này, người quấy rối tiến từ bên cạnh đến gần chó và đánh hay túm lấy đằng sau nó. Người chủ chó làm gương cho nó bằng những cử chỉ đe dọa người quấy rối, trong khi người này bắt chước tiếng chó kêu. Khi mà chó cố gắng tự bảo vệ nó bằng cách kêu hay cắn lại người quấy rối thì người này thôi ngay không chọc nó nữa và bước nhanh ra ngoài. Trong lúc huấn luyện loại chó này, điều quan trọng là chủ chó phải hết sức khen ngợi và khuyến khích mỗi khi thấy chó hơi tỏ dấu hiệu và người quấy rối phải giả vờ sợ chó hết sức. Phương thức này phải được tập lại cho đến khi nào sự tin tưởng của chó đã có, và chó cố gắng tấn công người quấy rối ngay lúc người này tiến đến. Bài tập trong ngày được kết thúc bằng cách người chủ chó khen thưởng nó ngay khi người quấy rối chạy đi mất.
c. Sáu con chó có tính hiếu chiến tự nhiên được mang ra cùng một lúc. Những con chó này đã tỏ ra là không cần cột chúng vào cọc. Cứ giữa hai con chó này lại đặt xen một con chó có phản ứng tiêu cực ở đợt huấn luyện đầu tiên. Tất cả chó được sắp thành hàng ngang đủ xa để chúng không thể cắn lẫn nhau. Mỗi con chó đều có dây dắt ở bên trái chủ nó. Lúc hô khẩu lệnh “Coi chừng”, người quấy rối xuất hiện và tiến về phía những con chó. Có một vài con sẽ sủa ngay lập tức; những con này sẽ được chủ nó khen ngợi nhiều. Người quấy rối hết sức chú ý vào những con chó nào không phản ứng lại ngay. Người này cầm gậy đến gần những con đó, đe dọa chúng và nhảy ra ngay. Bị những con chó dữ tợn ở cạnh nó kích thích mặc dù con nào chậm nhất cũng bắt đầu sủa. nếu được người chủ khuyến khích đúng cách, chúng sẽ hiểu là không có gì phải sợ người quấy rối cả và như vậy nó sẽ hết sợ ngay khi nó sủa kêu hay xông tới người quấy rối. Khi tất cả mọi con chó ở trong toán đều báo động ngay khi người quấy rối xuất hiện thì người này phải thay đổi hướng đi tới và xa hơn chỗ đã xuất hiện lần đầu. Những con chó nào tìm thấy người quấy rối trước nhất đều được khen ngợi nồng nhiệt. Ta thấy là những con chó chậm hơn sẽ học lại những con chó bạn hiếu chiến trong toán cũng như nhờ ở chủ của chúng.
d. Khi mà tất cả chó ở lớp báo động lúc người quấy rối tiến đến rồi thì một người khác sẽ thay thế. Như vậy, các chó sẽ biết là bất cứ người nào đang tiến đến đều là địch cả. Tốt nhất là nên có một số người đóng vai trò quấy rối.
e. Bấy giờ người chủ chó đóng vai trò lính canh, đi trong đồn với chó sát chân dây dắt thả lỏng. (Đồn giả này phải thay đổi hàng ngày để cho chó đừng có thói quen đối với một lộ trình nhất định). Lúc mà người lính canh và chó đã đi được một quãng ngắn, người quấy rối tiến từ một chỗ ẩn nấp nào đó. Nếu chó đã được học các bài thứ nhất, thì nó sẽ tìm ra người quấy rối rồi tiến đến và sẽ báo động mà không cần sự giúp đỡ của chủ chó. Nếu nó không báo động chủ chó sẽ chỉ bảo cho nó bằng cách nói “Coi chừng” (watch him). Ngay lúc chó báo động, người quấy rối chạy ra khỏi tầm mắt của nó và chủ chó khen ngợi và khuyến khích nó. Nếu chó không phản ứng đúng cách, người quấy rối ẩn nấp dọc theo đường đi của chó, bước ra khỏi chỗ trốn thật mau, đánh chó bằng một cái gậy và nhảy ra ngoài. Như vậy sẽ chọc tức chó. Hơn nữa, nó sẽ biết rắng nếu nó không báo động ngay lúc tìm thấy một người lạ xuất hiện nó sẽ chịu phạt và đau đớn.
f. Khi nào một con chó tìm thấy và báo động về sự có mặt của các người lạ ở khoảng cách đáng kể mà không cần đến sự giúp đỡ nào về ban ngày, thì thường nó đã sẵn sàng để làm việc về ban đêm được. Ta thường nhận thấy rằng ban đêm chó tinh hơn vì những điều kiện về đánh hơi đều thuận tiện hơn và thính giác của nó được tăng thêm nhờ ít tiếng động đi.
Ghi chú thêm về việc huấn luyện
a. Tính quan trọng của sự đi sát chân nới lỏng dây: lúc đi bộ ở trong đồn, sự đi sát chân nới lỏng dây rất cần thiết, chừng nào mà chó không kéo hay lôi xích nữa. Nếu chủ chó cố bắt nó sát chân, thì thường là chó hay chú ý đến việc sát chân; như vậy là có nghĩa là sự chú ý của nó đặt vào người chủ và không để ý đến những gì quanh nó. Chó sẽ gần như quên mất nhiệm vụ chính của nó là phải canh chừng bất cứ lúc nào và sẵn sàng báo động lúc có sự khiêu khích nhỏ nhất.
b. Sự quan trọng về việc nghi ngờ các người lạ: vệ khuyển được dạy không làm quen với những người lạ. Chủ chó dắt chó đi sát chân. Một người lạ đến nói những lời nhẹ nhàng và dỗ dành chó lại với hắn. Ngay khi chó bắt đầu tỏ vẻ quen thuộc, người lạ đập thật nhanh vào mũi nó và nhảy ra ngoài. Rồi chủ chó khuyến khích chó tấn công người lạ. Việc này được nhiều người khác nhau đóng vai người lạ để tập đi tập lại cho đến khi chó dữ lên và sủa tất cả những người lạ đến gần nó, bất kể là họ có dáng điệu thân thiện đến mức nào hay là họ cố gắng dỗ dành chó thế nào chăng nữa. Sau đó, một người lạ cố dử chó bằng một miếng thịt hay bất cứ đồ ăn nào chó thích nhất, nếu chó định ngoạm miếng mồi đó, người lạ đập vào mũi nó và chạy ra ngoài mà không cho nó miếng mồi ấy. Như thế chó mới hiểu rằng chỉ có chủ nó mới là người đáng tin cậy duy nhất.
http://www.phuquocdog.com.vn/gioi-thieu.html
https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-me-bao-ton-cho-phu-quoc-592354.ldo
NGƯỜI BẢO TỒN VÀ NÂNG TẦM GIÁ TRỊ CHÓ PHÚ QUỐC - Phuquocdog
http://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-nguoi-bao-ton-va-nang-tam-gia-tri-vuong-khuyen-1423197939.htm
CHÚNG TÔI HỖ TRỢ NHẬN PI