PHÒNG NGỪA BỆNH TẬT VÀ CỨU CHỮA THƯƠNG TÍCH
. Đại cương.
Việc điều trị bệnh tật và thương tích của chó và phép ngừa bệnh là phận sự của Nhà thú y. Nhiều chứng bệnh và thương tích có thể ngăn ngừa được nếu những người liên hệ với chó thận trọng, thông minh và chịu khó áp dụng những biện pháp phòng ngừa giản dị. Nhiều khi có thể ngăn ngừa được những chứng bệnh hay thương tích trầm trọng nhờ những biện pháp cấp cứu nhanh chóng và điều trị sớm .
Chó khỏe mạnh.
Sức khỏe là tình trạng thân thể mà mọi cơ năng đều hoạt động bình thường. Ta phải hiểu rõ về cơ năng của chó nếu không ta không thể nào hy vọng nhận biết được những triệu chứng bất thường .
a. Bộ dạng: Ở thế đứng, bốn chân chó phải đứng vuông vắn trên mặt đất hay là một chân sau có thể hơi bện trước chân sau kia một chút. Đầu có vẻ nhanh nhẹn, mắt mở to, mũi ướt và không chảy nước, tai vểnh lên. Bộ lông bóng bẩy và da dẻ mềm mại và di chuyển dễ dàng trên các thớ xương thịt ở bên dưới. Màu sắc của màng nhờn ở mắt, lỗ mũi và mõm là màu hồng ngả màu da cam.
b. Sự bài tiết tự nhiên: Ruột bài tiết phế chất trung bình 3, 4 lần trong 24h và phân giải thành khuôn và không có chất nhờn. Màu phân thay đổi tùy theo thức ăn của chó. Nước tiểu được bài tiết luôn luôn và màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến vàng sẫm tùy theo đồ ăn uống của chó.
c. Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình của một con chó nghỉ ngơi là 101độ F (38độ5c) nhưng có thể thay đổi lên xuống 1F (0độ55c). Ngay sau khi làm việc và nhất là khi nắng chiều, nhiệt độ của những con chó khỏe mạnh có thể tăng lên, nhưng theo nguyên tắc thì nhiệt độ không bị ảnh hưởng khí hậu và vì vậy đó là một cách chỉ dẫn giá trị nhất để biết tình trạng sức khỏe chung của chó. Nhiệt độ được đo bằng một nhiệt độ kế ở hậu môn. Nhiệt độ kế được nhúng ướt hay thoa dầu và thủy ngân phải vẩy xuống dưới 96độ F (35độ5c) hay dưới nữa. Nhiệt độ kế được để vào hậu môn trong 3 phút. Khi rút ra, đọc nhiệt độ xong, nhiệt độ kế được rửa nước lạnh, lại vẩy cho ngấn thủy ngân xuống dưới mức bình thường. Nhiệt độ cao lên thường báo trước triệu chứng rõ rệt về bệnh truyền nhiễm và rất quan trọng trong việc xác nhận sự nhiễm độc.
d. Hô hấp: Có thể dễ dàng ghi nhận sự hô hấp của chó qua nhịp lên xuống của hai bên sườn. Nhịp hô hấp khi chó nghỉ thường thay đổi từ 8 đến 16 lần trong một phút ở chỗ thời tiết ôn hòa. Không nên kể khi chó thấy người đi lại vì sự kích thích làm tăng hay di chuyển làm tăng số hô hấp lên, Ngay sau khi tập, nhịp thở có thể tăng lên đến 60 hay 90 lần một phút. Trong khi thời tiết ấm áp, khi chó nằm nghỉ, hơi thở sẽ tăng lên nhiều vì lẽ những hạch ở da không hoạt động đủ để trợ lực sự hô hấp. Muốn bù lại khuyết điểm này, chó sẽ thở bằng mồm và tăng nhịp hô hấp lên.
e. Nhịp mạch máu: Nhịp mạch bình thường đập từ 70 đến 100 lần một phút. Có thể bắt mạch ở phía trái ngay sau khớp nối khuỷu chân trước, hay đặt nhẹ ngón tay vào động mạch ở đùi trên phía trong chân sau. Phải đếm nhịp mạch trong 30 giây rồi nhân đôi lên. Chó phải nghỉ ngơi hoàn toàn khi lấy mạch vì khi tập mạch máu sẽ đập nhanh hơn. Khi lâm bệnh, mạch máu thường nhanh hơn bình thường và có thể mạnh hơn hay yếu hơn.
f. Màng nhờn ở mắt, mũi và mồm: Thường thường màng nhờn có màu hồng da cam, không bị sưng và không có nhử. Khi ốm đau, màng có thể bị đỏ, nhợt đi hay trắng, hay vàng.
g. Da: Khi khỏe mạnh, da phải mềm mại và di động dễ dàng trên thớ xương thịt bên dưới. Lông bóng mượt, mềm và thẳng xuôi đều. Khi bệnh, da sẽ khô cứng dường như dính chặt vào thớ thịt bên dưới; bộ lông có vẻ mờ cứng, lông dựng ngược thay vì nằm xuôi.
Dấu hiệu báo bệnh.
Mỗi bệnh có dấu hiệu khác nhau và các triệu chứng thay đổi nhiều, nên muốn biết thì chỉ có nghiên cứu kỹ mới quen được các dấu hiệu. Dấu hiệu sơ khởi thông thường nhất báo bệnh là sự mất đói một phần hay hoàn toàn, nhiệt độ tăng, hơi thở mau, nhịp mạch tăng, vẻ thờ ơ, rầu rĩ, hay chảy nước mũi, ho dai dẳng, đi rửa (ỉa chảy), táo bón, bộ lông sởm sơ và trong mình có chỗ nào sưng tấy. Một trong những triệu chứng đầu tiên quan trọng nhất là mất đói. Thời gian thuận tiện nhất để khám xét chó cho rõ có lâm bệnh hay bị thương không là khi cho chó ăn hay chải chuốt chó.
Các loại bệnh tật.
a. Các bệnh truyền nhiễm.
(1) Định nghĩa: Bệnh truyền nhiễm là những bệnh truyền từ con vật này qua con vật khác hoặc trực tiếp giữa con khỏe với con bệnh, hoặc gián tiếp vì những chuồng chó nhiễm trùng, những đĩa ăn dơ, ruồi, rận, bọ chó, muỗi và thiếu vệ sinh. Con vật bị bệnh do bộ phận hô hấp, tiêu hóa và bài tiết, tiết ra những chất truyền bệnh cho những con vật khác. Có một vài bệnh nan y, một vài bệnh có thể truyền cho người và tất cả có thể gây hại lớn nếu không coi xét. Các bệnh truyền nhiễm bao giờ cũng có một thời kỳ tiềm bệnh, là thời gian kể từ khi nhiễm trùng và khi triệu chứng bệnh phát hiện. Thời kỳ ấy có thể thay đổi từ vài ba ngày đến vài tuần. Thí dụ về bệnh truyền nhiễm như chảy nước mũi, bệnh chó dại, bệnh ghẻ, bệnh sài.
(2) Lý do sinh bệnh: Những điều kiện làm giảm kém sức mạnh và sức kháng bệnh, do đó làm cho chó dễ bị nhiễm bệnh hơn, được gọi là những lý do sinh bệnh. Những lý do chính là sự dàu dãi nắng mưa, không chăm sóc thích đáng, thiếu ăn, làm việc quá độ và các bệnh tật khác.
(3) Phòng ngừa: Cách ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm hợp lý là sửa đổi các điều kiện lỗi lầm làm con vật dễ sinh bệnh. Khi một triệu chứng bệnh đã đột nhập vào một đàn chó thì có một vài quy tắc cần thiết để xem xét sự truyền bệnh có tới những con chó khỏe không và trị ngay. Các biện pháp đó là:
(a) Khám xét mọi con vật hàng ngày để tìm xem có con nào nhiễm bệnh.
(b) Nhốt kiểm dịch những con vật có thể bị nhiễm.
(c) Nhốt riêng những con chó bị bệnh.
(d) Sát trùng những chuồng chó bị nhiễm bệnh và những chỗ lân cận, các trang cụ và dụng cụ.
(4) Kiểm dịch:
(a) Kiểm dịch là đem nhốt riêng những con chó trông khỏe mạnh mà có thể đã bị truyền bệnh ra khỏi những con chó khỏe mà không bị đe dọa nhiễm bệnh.
(b) Những con vật có vẻ đã bị nhiễm bệnh hoặc nghi là đã bị truyền bệnh là những nguồn bệnh tiềm tàng và chúng có thể đang ở trong thời kỳ tiềm bệnh. Có nhiều bệnh, con chó có thể bị nhiễm trong thời kỳ tiềm bệnh hay trong thời kỳ đầu của chứng bệnh, trước khi nhận thấy những triệu chứng đặc biệt. Vì lý do đó, những con vật này phải bị nhốt kiểm dịch để bảo vệ cho những con chó lành mạnh.
(c) Thời kỳ tiềm bệnh của đa số chứng bệnh truyền nhiễm thường thấy ở loài chó là dưới ba tuần. Cho nên thời gian kiểm dịch tất nhiên phải định thời gian dài hơn thời kỳ tiềm bệnh.
(d)Nơi chọn để kiểm dịch phải đặt ở chỗ nào để những con khác không thể nào vào hay tới gần những con bị kiểm dịch được.
(e) Quy luật kiểm dịch nghiêm ngặt tới mức nào là tùy ở tính chất của chứng bệnh. Những người trông nom chó kiểm dịch không được chăm nom những con chó khác và lúc nào cũng bắt buộc phải theo đúng vệ sinh.
(5) Việc nhốt riêng: Nhốt riêng là cách phân cách tuyệt đối một con chó bị bệnh truyền nhiễm hay một con bị nghi ngờ là nhiễm bệnh rời ra khỏi những con chó khác. Việc này phải hoàn toàn về mọi chi tiết hữu ích.
(6) Việc sát trùng: Việc dùng hóa chất tẩy trùng dùng để diệt các mầm sinh bệnh gọi là việc sát trùng. Cần phải quét rửa kỹ càng các chuồng chó và dụng cụ trước khi sát trùng. Nếu không rửa sạch sẽ trước một chuồng chó, dụng cụ hay bất cứ vật gì chó đã dùng rồi thì việc sát trùng chỉ phí thì giờ vô ích. Không khí trong sạch và ánh nắng là những yếu tố sát trùng hiệu nghiệm. Vì thê, một chuồng chó có nhiều cửa sổ và thoáng gió tất là vệ sinh hơn một chuồng chó tối tăm và ẩm thấp.
b. Bệnh không truyền nhiễm.
Bệnh không truyền nhiễm là những bệnh không lan truyền hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp từ một con chó này qua một con chó khác. Nhiều chứng bệnh này là bị trực tiếp mắc phải vì những phương pháp nuôi chó không được thích đáng. Tuy rằng những bệnh không truyền nhiễm có thể gây ra thiệt mất công tác của chó, nhưng cũng không là vấn đề quan trọng như trường hợp các bệnh truyền nhiễm. Thí dụ những bệnh không truyền nhiễm như nhọt độc, bệnh kinh phong (động kinh) và các chứng bệnh khó chịu vì thức ăn.
Điều dưỡng.
a. Sự điều dưỡng chu đáo rất cần thiết để điều trị những con chó bệnh và bị đau. Những điểm quan trọng về điều dưỡng là:
(1) Thoáng gió: Cho nhiều không khí trong sạch vào nhưng đừng để chó ở luồng gió. Tránh dầm rãi dưới nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, và ở ngoài trời, cho trú ẩn tránh gió mưa.
(2) Nệm ổ: Ổ nằm tốt và sạch làm cho chó đau nghỉ ngơi được yên. Ổ phải thay mấy lần một ngày, mọi vết đồ ăn và chất phân bài tiết phải dọn sạch.
b. Chó dưỡng sức nên tập nhiều chừng nào thùy theo tình trạng riêng cho phép chừng nấy. Tuy nhiên, ta nên nhớ kỹ sự nghỉ ngơi là một cách điều trị tốt nhất.
c. Chó yếu hay mệt không nên chải chuốt kỹ quá. Một ngày chải cẩn thận một lần và mắt và lỗ mũi được lau chùi bằng một miếng bông (gòn) ướt. Những con chó chỉ hơi đau ốm thì ngày nào cũng phải chăm nom chải chuốt thật đầy đủ.
d. Một vài con chó ốm vẫn ăn uống ngon lành nhưng nếu thế không nên cho chúng ăn quá độ. Phân của chúng phải nhão, và chúng phải được uống nhiều nước sạch. Chó ốm mà mất đói phải được chú ý đặc biệt và thường cần đổi món ăn. Nên cho chúng ăn luôn, từng ít một. Những phần ăn còn lại không được bỏ trong chuồng chó. Đĩa ăn phải sạch sẽ. Muốn bắt chó ăn, cách sử dụng bất đắc dĩ có thể là dùng tay bón cho ăn hay đổ thức ăn bắt ăn.
Vết thương và thương tích.
a. Vết thương: Chỗ rách ở da, mô ở thân thể, hay rách ở thân mình vì một bạo lực bên ngoài hay vì hoạt động của thớ thịt thì gọi là vết thương. Để mô tả, vết thương được chia ra thành vết cắt, vết toạc xé, vết đâm và vết trầy.
(1) Vết cắt là do một vật gì sắc bén gây ra. Tuy rằng loại vết thương này gây chảy máu nhiều vì mạch máu bị đứt, nhưng mô ít bị hại và thường khi không bị nhiễm trùng nếu được săn sóc và điều trị thích hợp.
(2) Vết toạc xé làm hại mô và có thể gây ra nhiễm trùng. Không chảy máu nhiều như trường hợp vết cắt.
(3) Vết đâm có thể do một vật gì thọc sâu vào mô. Đinh, mảnh gỗ nhọn và đầu đạn là nguyên nhân. Loại vết thương này khó rửa sạch và dễ bị nhiễm trùng vì mô bị hại nhiều vá các chất bẩn bên ngoài xâm nhập vào trong mô. Sự chảy máu trong loại vết thương này cũng ít quan hệ trừ phi có một mạch máu to bị đứt.
(4) Vết trầy là vết thương do da sát vào một vật gì mà sướt gây ra thành chỗ sưng nhức. Ví dụ như trường hợp bị dây thừng làm xây xát chẳng hạn.
b. Điều trị cấp cứu vết thương: Trước khi cứu thương, hãy lấyrọ bịt mõm chó lại.
(1) Phải lo cầm máu trước khi định rửa thay băng vết thương. Thường thường có thể cầm máu bằng cách đè trực tiếp vào chỗ chảy máu. Muốn vậy, làm một miếng đệm (vải gấp lại) với một miếng gạc hay khăn tay, đạt trên vết thương, và buộc chặt tại chỗ bằng một dây băng. Đưa thú y sĩ xem chó và định cách điều trị sau.
(2) Nếu không có thú y sĩ, người chủ chó có thể theo cách điều trị sơ cứu như sau. Sau khi đã cầm được máu rồi, rửa sạch vết thương. Trước hết, cắt sạch lông chung quanh vết thương bằng kéo và rửa sạch những đất cát nhơ bẩn ở chỗ đau bằng nước sạch. Phải chùi hết mọi vật lạ ở bên ngoài ra khỏi vết thương, nhưng không được thoa, chấm hay bôi mỡ lên vết thương. Có thể bọc vết thương bằng gạc, sau đấy bằng băng rồi buộc băng chặt chẽ lại. Đừng bao giờ đặt bông ngay trên vết thương và đừng bao giờ buộc băng trên đai chỉ huyết. Khi đã làm xong việc cứu thương, đưa chó đi thú y sĩ để khám nghiệm và điều trị.
c. Thương tích: Vết bầm, bong gân, sai gân và gãy xương là những thương tích, do một sức mạnh bên ngoài hay do vận động thớ thịt mà gây ra, liên quan đến bắp thịt, gân, thớ thịt, khớp xương, khí quan và xương. Nhiều trường hợp da rách nhưng không cứ phải có luôn thương tích.
d. Phương pháp điều trị cấp thời thương tích.
(1) Vết bầm và bong gân: Trườm túi nước đá và chai nước nóng vào chỗ bầm, bong gân và sai gân sẽ đỡ nhiều. Cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn.
(2) Gãy xương: Phần nhiều xương hay gãy ở chỗ cùng của thân thể. Có nhiều duyên cớ sinh ra, nhưng phần nhiều là tại ngã, bị đá, hay bị các con vật khác cắn và do nơi vết thương bị đạn bắn. Trước khi muốn cứu thương, lấy rọ bịt mõm chó lại. Ví dụ một con chó bị thương tích ở chân, đặt chó nằm nghiêng và khám kỹ chân chó để xem thương tích. Nếu thấy rõ là chân bị gãy, thì lấy hai mảnh gỗ dẹt khá rộng và dài đủ vừa chân chó. Đặt một mảnh gỗ bên mặt trong và một mảnh gỗ bên mặt ngoài chân chó rồi buộc cả hai mảnh gỗ lại nguyên chỗ bằng một dải băng gạc. Xong đem chó đến thú y sĩ. Nếu không bó đỡ được chỗ xương gãy, đặt chó vào một cái cáng chắc chắn, ứng chế bằng những tấm gỗ và đem nó tới thú y sĩ.
(3) Bị thương ở mắt.
(a) Thương tích ở mắt rất thông thường, xảy ra thành vết thương và rách sướt, vì cọ vào vật gì lạ hay vì sức mạnh bên ngoài như vết chó cắn nhau. Nếu có thể thì chỉ có thú y sĩ mới được điều trị thương tích ở mắt.
(b) Nếu không sẵn thú y sĩ, người chủ chó có thể điều trị như sau. Rửa chỗ mắt đau bằng nước ấm, sạch, rồi khám xem có vật gì dơ bẩn ở đó không. Lau sạch những chất bẩn đó nếu chủ chó có thể làm được mà không gây thêm thương tích. Xong đặt một miếng gạc ướt lên trên mắt và phủ lên trên một miếng bông đệm. Gạc và bông được giữ tại chỗ bằng dây băng lỏng.
(4) Vết bỏng (phỏng).
(a) Vết bỏng do nước nóng, hóa chất, lửa và cọ sát gây ra. Mức độ gây hại cho mô được xác định ở vẻ ngoài của chỗ đau. Vết phỏng ở cấp độ một thì da đỏ ửng. Ở cấp độ hai thì phồng rộp lên. Khi mô bị hại sâu nữa, thì mô có vẻ chín rục và lúc đó gọi là bỏng tới cấp độ ba.
(b) Vết bỏng phải được thú y sĩ điều trị ngay. Phải cẩn thận để tránh sự nhiễm độc ở chỗ phỏng.
Băng bó.
a. Sử dụng: Băng bó là một hình thức cũ nhất của dụng cụ ngoại khoa và được dùng trong những trường hợp khác nhau với nhiều mục đích. Việc sử dụng chính của băng bó là:
(1) Cầm máu nhờ sức ép
(2) Giữ bông gạc tại chỗ
(3) Giữ nạng bó xương tại chỗ
(4) Giữ một bộ phận của thân thể ở yên tại chỗ.
b. Cách băng.
(1) Băng cuộn là loại băng hay dùng nhất để giữ băng thuốc, nạng bó xương, bông gạc và để ép. Muốn quấn băng, dùng một tay cầm và quấn băng, tay kia giữ mỗi lớp băng cuốn và giữ vòng băng khi đổi hướng. Băng vào chỗ đau khá chặt chẽ để có đủ sức ép và khỏi tuột, nhưng cẩn thận đừng làm nghẽn sự giao thông sự lưu thông của mạch máu vì chặt quá. Khi buộc đuôi băng, chỉ buộc vừa đủ chặt như khi quấn băng mà thôi.
(2) Băng phải cuốn bên ngoài gạc và bông chứ đừng buộc ngay vào thân thể. Không nên dùng băng gạc ướt để buộc vì khi băng khô sẽ xiết chặt lại và gây sức ép quá độ. Chỗ vết bầm thường sưng lên ít lâu sau khi bị thương. Điều này nên nhớ kỹ khi định dùng băng, vì khi buộc băng chặt chẽ vào một vết thương nguyên thủy thì nếu có sưng tấy lên băng sẽ làm tức sự lưu thông của máu.
(3) Khi cần phải băng thân mình một con chó, có thể dùng loại băng có đuôi xẻ đôi. Băng làm bằng một miếng vải khá dài đủ để vòng quanh mình chó và có dải để buộc, băng gập đôi và cắt dải buộc ở đầu cuốn. Băng thuốc đặt ở ngực, sườn hay bụng tùy theo trường hợp, và băng quấn quanh mình, dải buộc ở trên lưng. Băng có đuôi xẻ cỡ nhỏ hơn thì dùng để băng đầu hay cổ.
Biến trạng ở tiêu hóa hệ.
a. Vật lạ ở trong mồm: Khi chó cào chân ở mồm, ăn uống khó, và chảy nhiều nước dãi thì nên nghi là ở trong mồm có vật gì lạ. Miếng xương, mảnh gỗ và sạn nhỏ dắt ở răng làm chó khó chịu. Phải cẩn thận khi chăm sóc một con chó có triệu chứng này, vì những con chó dại cũng có những triệu chứng tương tự như thế. Những trường hợp như vậy, phải được thú y sĩ định bệnh.
b. Biến trạng của ống tiêu hóa: Đặc tính của biến trạng về ống tiêu hóa là không đói, nôn mửa dai dẳng, đi rửa (ỉa chảy), phân có máu hay có mũi nhờn và táo bón. Các triệu chứng này có thể tại vì thức ăn không hợp, ngộ độc, nhiễm trùng, có vật lạ trong ruột hay tại có sán lãi.
(1) Khi thấy nôn mửa dai dẳng và đi ỉa chảy, phải ngừng cho ăn và hạn chế số nước uống. Không dược cho thuốc tẩy cho tới khi đã xác định được nguyên cớ của chứng bệnh.
(2) Bệnh táo bón thường là tại vì thức ăn khó tiêu, vận động không đủ, và vì cho ăn xương và bánh nướng (biscuit) khô. Chó bị táo bón phải đưa đi thú y sĩ điều trị.
(3) Khi được biết hay ngờ rằng chó ăn phải chất độc, phải làm cho nôn mửa ngay. Cho chó uống nhiều nước xà bông, nước muối hay nước rửa dĩa chó sẽ mửa. Khi chó đã mửa nhiều rồi cho uống một muỗng súp chất muối Epsom (Epsom salts) hòa với nước. Nếu ăn phải chất độc như Bichloride of mercury theo cách điều trị trên, xong cho uống nhiều sữa. Giữ cho chó ấm tới khi thú y sĩ đến điều trị.
(4) Sán lãi trong ruột sẽ gây ra biến trạng về tiêu hóa. Các ký sinh trùng trong bộ phận tiêu hóa của chó thường thấy là lãi tròn (round-worm), sán (tapeworm), lãi móc (hookworm), lãi dài (whipworm). Có khi mắt có thể trông thấy ký sinh trùng ở phân chó. Thường khi ta thấy những đốt sán dính vào lông quanh hậu môn. Thú y sĩ soi kính hiển vi xét phân sẽ thấy trứng của ký sinh trùng được. Thú y sĩ sẽ ấn định cách điều trị đặc biệt.
Biến trạng của hệ thần kinh
Trường hợp có biến trạng hệ thần kinh của chó như loạn trí, động kinh hay những biến trạng thần kinh tổng quát, đừng có câu thúc hay điều trị gì cả. Nếu chó có buộc dây dắt da, thì buộc chó vào cột ở chỗ bóng mát hay cho chó vào buồng và để mặc cho êm lặng dần. Kêu một thú y sĩ hoặc nếu chó trở lại bình thường thì đem nó đến thú y viện để khám bệnh.
Ký sinh trùng bên ngoài.
Ve chó, rận và bọ chó là những ký sinh trùng sống ở thân chó.
a. Ve chó: Ve chó ở những chỗ dơ bẩn. Chúng bám vào chó và hút máu, khiến cho chó rất khó chịu và nhiều khi có thể gây ra bệnh sẩn ngứa kinh niên. Chúng cũng làm cho chó tự nó gây ra thương tích vì cào gãi luôn. Ve chó có thể trừ bằng bộ trị ve hay bằng cách tắm chó với nước pha 1 hay 2% creolin.
b. Rận: Chó hay bị hai thứ rận (đốt và hút máu). Chó ở trong chuồng phải được khám xét trong lúc chải chuốt hàng ngày để tìm xem có rận hay không. Chó có nhiều rận phải nhốt riêng ra và điều trị bằng thuôc diệt rận do thú y sĩ cho toa.
c. Bọ chó: Bọ chó là một con bọ hút máu, bám vào chó bằng cách cắm rúc đầu vào da chó. Bọ cái màu xám và bọ đực màu nâu. Thường thường ta thấy những con bọ chó túm tụm vào nhau và hút máu ở cùng một chỗ. Muốn bắt bọ dễ dàng, thấm ướt một miếng bông gòn bằng chất ether, và đặt lên trên con bọ. Lấy ngón cái và ngón trỏ túm lấy con bọ và lôi sẽ ra khỏi mình chó. Giựt mạnh con bọ sẽ làm sót đầu con bọ ở trong mô và gây ra ngứa sẩn. Chỗ con bọ bị lấy ra được rửa và bôi một chất thuốc sát trùng. Bỏ bọ chó vào một cái gì đựng khi bắt được nó và đem đốt giết nó đi. Bọ chó mang nhiều chứng bệnh truyền cho người nên khi bắt nó phải cẩn thận.
Báo cáo chó cắn.
Bệnh chó dại truyền cho các con vật và người do vết cắn một con vật bị bệnh dại. Vì bệnh dại dễ lan tràn ở một vài nơi nên mọi trường hợp chó cắn phải được báo cáo ngay. Chó bị những dã thú cắn hay bị chó khác cắn phải đem cho thú y sĩ trông nom và giam lại để kiểm dịch
Câu lưu chó.
a. Trước khi khám hay cứu thương cho một con chó đau, bao giờ cũng nên bịt rọ mõm chó lại, bất luận là chủ chó đã quen với tính nết chó tới mức nào rồi. Một con chó bị thương hay sợ hãi thường hay cắn theo linh tính tự vệ.
b. Có thể làm một cái rọ mõm cấp thời bằng mộ đoạn băng gạc, một dải vải chắc, hay một sợi dây da. Rọ mõm quấn quanh mõm vòng xuống hàm dưới. Đầu dây da (băng) được kéo căng lên thắt cái vòng chặt lại, xong vòng qua sau cổ ngay bên dưới tai buộc chắc lại.
http://www.phuquocdog.com.vn/gioi-thieu.html
https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-me-bao-ton-cho-phu-quoc-592354.ldo
NGƯỜI BẢO TỒN VÀ NÂNG TẦM GIÁ TRỊ CHÓ PHÚ QUỐC - Phuquocdog
http://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-nguoi-bao-ton-va-nang-tam-gia-tri-vuong-khuyen-1423197939.htm
CHÚNG TÔI HỖ TRỢ NHẬN PI