GIỐNG LOÀI VÀ TÍNH NĂNG
Thế giới của loài chó khác với thế giới loài người ở một vài phương diện rõ rệt. Thế giới của chúng hầu như là một thế giới mùi vị. Mũi của chúng giúp cho chúng biết bao nhiêu sự vật quanh chúng mà loài người hoàn toàn không thể nhận thấy. Chúng nghe tiếng động thính hơn người. Thị giác của chúng đối với sự di động vật thể cũng trội hơn người. Giác quan của loài chó quan hệ đối với người dạy nó nhất là Khứu giác, Thính giác, Thị giác và Trực giác lần lượt theo thứ tự quan trọng.
Giống chó.
a. Chó chăn cừu Đức là giống có thể nhận để huấn luyện thành thám khuyển và vệ khuyển của quân đội.
b. Giống chó chăn cừu Đức là một loài chó chăm chỉ trong giống chó sói, có thân mình rắn chắc cỡ trung bình. Nó có hai lần lông để che thân chống lại với mọi thời tiết: một lượt lông ngoài cứng, thẳng, dài vừa phải và một lượt lông bên trong dày rậm. Màu sắc của nó có thể từ đen đến trắng, nhưng màu sắc đặt biệt nhất là màu xám của giống sói. Sử dụng về mặt quân sự thì lông của nó phải có màu đậm.
c. Đặc tính khiến cho giống chó chăn cừu Đức có giá trị một quân khuyển là mũi hết sức thính, dẻo dai, đáng tin cậy, nhanh, khỏe, can đảm và tính khí của nó.
Giác quan
a. Khứu giác.
(1) Giống chó có một khứu giác hơn người quá nhiều đến nỗi ta khó mà tưởng tượng được tính chất sự cảm giác mùi hương của chúng. Cũng như loài chó chắc là không thể tưởng tượng được các màu sắc ra sao thì con người cũng không thể nhận thức được cái tầm rộng lớn về hương chất và sự khác biệt tinh vi về hóa học mà loài chó phân biệt được. Mũi của chó thật là đặc biệt thích hợp để tìm ra được những hương chất nhỏ xíu. Vì mũi của chó nhờ có sự bài tiết của một thứ hạch giữ cho ẩm ướt và cực kỳ bén nhạy trước những luồng hơi gió nhẹ. Khi cảm thấy luồng hơi như vậy, chó quay đầu lại hướng gió, đưa mũi hít. Không khí lùa nhiều vào trong hốc lỗ mũi qua trên màng dịch nhầy có rất nhiều đường dây thần kinh khứu giác. Màng dịch nhầy này nằm trên một cơ cấu xương quanh co phức tạp. Sự cấu tạo của xương làm cho có một bề mặt rộng và không cản trở sự lưu thông của không khí. So sánh ra thì mũi của người không tinh tường bằng, tuy mũi người cũng có thể cảm biết những hóa chất trong không khí dù số lượng chỉ nhỏ, ít, không thể dùng trắc nghiệm hóa học tinh vi nhất mà khám phá được. Nói chung, theo sự nghiên cứu thì chó có thể biết được mùi hương đủ mọi loại dù chỉ rất ít mà thoảng xa, hơn là người. Hơn nữa, chó còn có thể phân biệt được rất nhiều hương chất mà loài người cho là giống nhau.
(2) Khả năng tìm dấu vết của chó tùy thuộc ở một vài đặc tính ngoài khứu giác. Hầu hết các chó chăn cừu Đức có một khứu giác khá tinh để theo tìm dấu vết, nhưng chỉ có con nào đặc biệt mới có thể huấn luyện được để theo tìm thong thả và cẩn thận mọi dấu vết mà chủ của nó chỉ cho nó, không kể đến mọi sự đánh lạc hướng hay mưu trá về khứu giác mà nó có thể gặp phải. Bất cứ con chó chăn cừu nào cũng có thể tìm đuổi một con thỏ hay một con ngân thử. Chỉ có một số ít có thể, theo lệnh, theo dõi dấu vết của một kẻ lạ đi trên đường giao thông, dưới tuyết, gần một chuồng đầy chó hay đi qua một tổ ngân thử.
(3) Các cuộc trắc nghiệm cho biết sự thành công của một con chó trong việc tìm dấu vết là nhờ tài phân biệt được chính xác của con chó về:
(a) Mùi đất ở những chỗ đất bị ép vì con mồi của chó bước lên.
(b) Mùi cây cỏ bị dập gãy vì con mồi của chó.
(c) Dấu hơi giày và xi đánh giày.
(d) Dấu hơi con vật hư thối hay các chất hữu cơ khác.
(e) Hơi người của một người đặc biệt nào đó.
(4) Dấu tích về thị giác chỉ giúp được chó rất ít.
b. Thính giác.
(1) Các cuộc trắc nghiệm đã chứng tỏ là chó nghe được những tiếng động rất yếu mà tai người không nghe thấy. Chó cũng nghe thấy được những âm thanh rất cao hơn là người.
(2) Áp dụng thính giác của chó để trợ lực việc huấn luyện, ta sẽ thấy sự uốn giọng, cũng như âm thanh của tiếng nói, có ảnh hưởng tới sự hiểu biết của chó về các khẩu lệnh. Một vài con chó có vẻ hiểu biết hơn cảm giác và ý muốn của chủ, khi nghe chủ truyền lệnh. Một tiếng nói với một giọng khuyến khích sẽ làm cho những con chó ấy phấn khởi. Một lời nói khó hiểu sẽ làm cho chúng chán nản. Nếu định dùng một con chó về đêm hay trong trường hợp nó không trông thấy chủ thì phải huấn luyện cho nó hiểu được một số khẩu lệnh. Một số chó không thể bảo được nhờ thính giác và không được nhận làm quân khuyển.
c. Thị giác
Sự dị đồng rõ rệt nhất giữa võng mạc của mắt chó và võng mạc của mắt người là võng mạc mắt chó không có chỗ lõm giữa tức là một phần nhỏ của võng mạc không có tế bào hình que khiến cho thị giác thêm tinh tường. Khi người ta đưa mắt nhìn một vật gì, ánh sáng phản chiếu từ vật đó hắt vào chỗ võng mạc lõm, và có thể nhìn thấy nhiều vật khác cạnh đó, nhưng thấy chúng không được rõ rệt. Điều này có thể thí nghiệm ngay bằng cách đưa mắt trên bất cứ chữ nào trên trang chữ in này và thử xem nhìn được bao nhiêu chữ khác mà không phải đưa mắt. Những chữ phản chiếu ở ngoài phần lõm giữa võng mạc bị mờ và khó định nghĩa. Vì chó không có phần lõm giữa võng mạc nên ta có thể cho rằng dù ngay một vật mà chó đưa mắt nhìn cũng kém phần rõ ràng hơn là đối với mắt người.
(1) Nhận biết sự cử động: Đó là loại thị giác mà chó có vẻ rất tinh. Nếu một vật di động dù rất khẽ, đa số chó cũng sẽ nhận biết được cử động. Chó ít sử dụng mắt để học trừ khi để nhận thức sự cử động.
(2) Thị giác về màu sắc: Thực nghiệm cho ta tin rằng, đối với chó, cuộc đời hiện ra như một hình ảnh trắng đen vậy.
d. Trực giác: Có nhiều sự khác biệt trong loài chó về trực giác. Có con chó rất ưa vuốt ve hay rất dễ cảm giác vì bị sửa phạt. Có những con khác có vẻ tương đối không có cảm giác gì đối với trực giác.
Tính hiếu chiến.
Mức độ hiếu chiến của một quân khuyển gần như là chỉ được xét đoán ở tính sẵn sàng tấn công mà thôi. Thường thì một con chó, được xếp loại kém hiếu chiến, không thể dạy bảo để tấn công được. Một con chó hiếu chiến trung bình có thể dạy bảo để tấn công, dù kém hăng hái hơn là con chó xếp loại quá hiếu chiến. Sự khó khăn nhất đối với một con chó quá hiếu chiến là làm thế nào để bảo nó thôi ngay tấn công khi ra lệnh.
Tính cảm xúc.
Danh từ “cảm xúc” nói về loại và mức độ đáp ứng của một con chó đối với vài yếu tố kích thích (tiếng động và trực giác). Một con chó dễ cảm quá độ thì sợ hãi những yếu tố kích thích dù nhỏ yếu hơn cả mức độ cần thiết để làm phiền nhiễu một con chó trung bình. Nó thường đáp lại những yếu tố kích thích nhỏ yếu bằng sự run sợ hèn nhát hay chạy trốn. Một con chó bình thường phản ứng lại với cùng một loại yếu tố kích thích như vậy bằng cách chỉ quay đầu lại mà thôi.
a. Chó cảm xúc quá độ: Một con chó dễ cảm xúc quá độ (nhát) có hại là không sao chứng tỏ được trí thông minh của nó theo một hình thức mà người huấn luyện có thể lợi dụng được. Chó sợ hoặc là tiếng động hay trực giác rất khó huấn luyện và không tin cậy được. Một con chó tỏ ra hơi sợ súng đôi khi có thể được dạy cho quen với tác xạ qua nhiều lần tập, nhưng không phải lúc nào cũng tin cậy được trong trường hợp mà sự tin cậy trước tiếng động là vấn đề sinh tử. Nói chung, một con chó quá dễ cảm xúc chỉ có thể được huấn luyện một cách khó khăn, nếu không phải là không được, và không thể tin cậy triệt để được.
b. Chó kém cảm xúc: Một con chó kém cảm xúc về cả tiếng động và trực giác cũng rất khó dạy bảo. Chủ chó không thể “động” đến nó dễ dàng để sửa phạt hay vuốt ve nó. Một con chó dễ cảm hoặc là với tiếng động hay với trực giác, chứ không dễ dàng với cả hai, có thể khá dễ dạy bảo nếu chủ tìm thấy đúng nhược điểm. Chủ chó có khi phải dùng lời nói và có khi phải dùng tay.
c. Tính cảm xúc lý tưởng: Chó hoàn toàn nhất về phương diện cảm xúc (nghĩa là, lý tưởng ở trong tay một chủ chó giỏi) thì có cảm xúc cả với âm thanh và trực giác. Những con chó như vậy hay hoạt động hoặc là rất giỏi hoặc là dở kém, tùy theo sự khôn khéo trong việc sử dụng nó. Một chủ chó tầm thường có thể làm hư chó.
d. Sự quan trọng của chủ chó: Có người không thể sai bảo chó một cách hiệu quả được vì họ không có giọng nói thích hợp về tầm xa và về âm hưởng, nhưng họ có thể có sự khéo léo về bắp thịt khiến việc huấn luyện chó thu hoạch được nhiều kết quả tốt đẹp nếu sai khiến chó bằng tay. Cũng có những trường hợp khác. Nói chung, mỗi chủ chó thành công hơn với một con chó và mỗi con chó lại hợp hơn với một người chủ. Muốn thu hoạch kết quả tối đa, thì tài năng của người chủ phải hợp với đặc tính cảm giác của chó.
Trí thông minh.
a. Thường thường, trí thông minh là đặc tính liên hệ chặt chẽ nhất với sự thành công của chó trong việc huấn luyện và quân vụ. Về thông minh, chó còn kém xa người, nhưng hẳn là hơn mọi loài vật khác dưới loài linh trưởng (người và khỉ). Ta có thể dạy một con chó đáp hiểu được khá nhiều tiếng nói, không ai hiểu được giới hạn ngữ vựng của nó. Theo những trường hợp thường lệ thì chỉ độ 20 tiếng là đủ, nhưng người ta đã biết có những con chó hiểu được đến trên 100 khẩu lệnh.
b. Trí thông minh của chó được xếp loại căn cứ vào học hỏi nhanh nhẹn của nó, mức độ mà nó nhớ và sử dụng được những điều đã học. Thông minh không liên quan gì đến sự dễ bảo khi người huấn luyện muốn chó vâng lệnh mình. Có con chó học rất nhanh khi mà nó thích, nhưng huấn luyện rất khó vì nó ưa nhõng nhẽo hay làm ra vẻ bướng bỉnh không vâng lệnh. Một con chó được xếp loại cao về thông minh nếu nó có thể lợi dụng kinh nghiệm, không kể đến việc đó làm cho chủ hài lòng.
c. Có những con chó rất thông minh mà chỉ thành công khi hoạt động với người mà chúng ưa thích.Với những người khác, chúng không chịu khó và làm ra vẻ ngu độn.
Thiện chí.
Danh từ này dùng hơi độc đoán, cốt để nói về phản ứng của chó với mệnh lệnh của chủ nó. Danh từ không những áp dụng về cách thức đáp hiểu một mệnh lệnh hay một hành động mà nó đã học, mà còn nói về sự vui vẻ và ý của nó chịu học thêm những nhiệm vụ mới.
a. Chó có thiện chí: Chó được liệt vào hạng có thiện chí cao nếu nó hết sức tuân theo mệnh lệnh của chủ với ý chí cố gắng thực hiện lệnh đó, dù là không có ngay sự thưởng phạt. Dù chó có trí thông minh hay sức khỏe, và dù là nó thành công hay thất bại, cũng là điều không đáng kể.
b. Chó khó bảo: Nếu cứ phải hứa hẹn thưởng hay dọa phạt luôn luôn trước để chó làm đúng mệnh lệnh thì con chó ấy được coi là loại khó bảo. Nhiều con chó rắn đầu khó bảo tỏ ra phân biệt được rõ ràng công việc và đùa giỡn. Chúng sẵn lòng đi nhặt mồi, nhảy, hay đi kiếm đồ vật. Những con chó ấy, sau khi chỉ tuân lệnh một cách bướng bỉnh trong thời gian huấn luyện, có khi sẽ lại với chủ và có vẻ muốn quấy nghịch bằng các động tác nói trên. Chúng sẽ tuân theo ngay và rất đúng các mệnh lệnh cho nhặt mồi, nhảy, tìm kiếm, lùng bắt, v.v…Nhưng nếu trái lại, người chủ khởi xướng ra trò chơi đó, thì trong trường hợp này, chó có thể không chịu tuân ngay nhanh nhẹn hay đúng hợp mệnh lệnh.
c. Nhận lệnh căn bản.
(1) Sự liên hệ với chủ chó: Một số chó chỉ vui lòng làm việc cho một vài người, nhiều khi chỉ vì một người thôi. Đa số chó tỏ ra không chịu tuân lệnh một kẻ lạ. Một số khác tỏ ra bướng bỉnh với bất cứ ai dạy nó hay sử dụng nó. Hiển nhiên là ta có thể thu hoạch được kết quả tốt đẹp nhất là khi người và chó được thận trọng lựa chọn cho hợp nhau. Chỉ nên xếp hạng chó có bướng bỉnh hay không đối với chủ nó mà thôi. Chó phải chịu phạt khi xếp hạng về thiện chí, nếu nó chuyển đổi mau lẹ “thiện chí” sang một người khác; thí dụ như cho một kẻ lạ hay một tù binh chẳng hạn.
(2) Sự thay đổi về thiện chí: Thiện chí có thể do người giữ chó khuyến khích thêm lên hay làm nhụt đi. Sử dụng chó không đúng cách có thể làm cho nó kém thiện chí lúc này hơn lúc khác. Có con chó chịu khó làm việc trong năm phút đầu huấn luyện nhưng có lẽ vì chủ tỏ vẻ không kiên nhẫn nên nó lại tỏ ra khó bảo trong thời gian sau đó. Tuy nhiên, có con khác tự nhiên thành cứng cổ sau vài phút. Phải liệt chúng vào loại tương đối kém thiện chí.
(3) Nhầm lẫn với tính kém cảm xúc: Sự thiếu kém cảm giác có thể bị lẫn với tính bướng bỉnh. Dĩ nhiên, một con chó kém cảm xúc về cả tiếng động lẫn trực giác có thể tỏ ra rắn đầu khi lệnh của chủ chó kém hữu hiệu chỉ vì sự giới hạn giác quan của chó.
(4) Nhầm lẫn với trí thông minh: Khi nghi ngờ không hiểu, chó không chịu thi hành công tác đã học là vì bướng hay vì quên thì nên nhốt chó vào chuồng vài ngày. Nếu chỉ vì bướng bỉnh thì sau đó chó sẽ vui vẻ thi hành bài tập để được hưởng quyền ở ngoài tự do.
Năng lực.
Danh từ này dùng để nói về mức độ hoạt động tự nhiên của chó; tức là, sự nhanh nhẹn và tầm cử động của nó nói chung, không phải để đáp ứng mệnh lệnh nào. Chó khác nhau xa về phương diện này và ta rất dễ xếp hạng năng lực so sánh của chúng hơn là các đặc tính khác. Một quân khuyển phải có một năng lực trên mức trung bình vì đó là dấu hiệu của sức khỏe hăng hái.
http://www.phuquocdog.com.vn/gioi-thieu.html
https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-me-bao-ton-cho-phu-quoc-592354.ldo
NGƯỜI BẢO TỒN VÀ NÂNG TẦM GIÁ TRỊ CHÓ PHÚ QUỐC - Phuquocdog
http://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-nguoi-bao-ton-va-nang-tam-gia-tri-vuong-khuyen-1423197939.htm
CHÚNG TÔI HỖ TRỢ NHẬN PI